Với sự phát triển của mạng xã hội, du khách dễ dàng góp ý, đánh giá các nhà hàng, khách sạn để nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, không ít người dựa vào đó để ra yêu sách, gây áp lực với các cơ sở.
Chị Linh, quản lý nhà hàng, khách sạn 2 sao ở Thanh Hóa cho biết mình đã gặp tình huống như vậy vào tháng 6, đúng dịp cao điểm hè. Một đoàn khách gồm 12 người lớn, 3 trẻ em tới khách sạn ăn trưa. Ban đầu, họ gọi cơm suất giá 30.000 một đĩa, nhưng sau đó chuyển đặt hai mâm, yêu cầu ngồi phòng VIP, có điều hòa, không gian yên tĩnh, riêng tư. Thực đơn khách gọi gồm cơm, canh, 5-6 món mặn và nước ngọt. Tổng hóa đơn hết hơn 1,5 triệu cho đoàn 15 người.
Khi nhìn thấy hóa đơn, một người trong đoàn khách tỏ thái độ tức giận. Họ cho rằng nhà hàng “chặt chém” khách và tuyên bố sẽ đăng sự việc lên Facebook. “Người này mắng chửi nhà hàng đến mức anh lái xe của đoàn phải vào xin lỗi chúng tôi vì áy náy và ngượng”, chị Linh nói. Tuy nhiên, nhà hàng kiên quyết không giảm tiền vì giá các món ăn đã được niêm yết sẵn trên menu và đã thông báo với khách mỗi khi họ gọi món.
Vài ngày sau, chị Linh đọc được bài tố cáo cơ sở của mình làm ăn “chộp giật, ép khách” trên mạng xã hội, kèm ảnh nhà hàng và thực đơn bữa trưa hôm đó. Tuy nhiên, phần lớn bình luận đều cho rằng nhà hàng lấy giá bình dân và chỉ trích thái độ, cách ứng xử của nam du khách trên. Cuối cùng, người này đã xóa bài viết.
Chị Linh cho biết làm trong ngành dịch vụ phải nhẫn nhịn khách, nhưng bản thân vẫn không thể chấp nhận trước cách hành xử của một số người. “Tôi chỉ mong khi có chuyện xảy ra, mọi người nên đứng vào vị trí của nhau để cùng giải quyết”, chị nói.
Trường hợp của Hạ Vy, một nữ du khách đến từ Hà Nội cũng tương tự. Vy cùng bạn bè đã đặt phòng khách sạn trước khi đến Vũng Tàu du lịch. Tuy nhiên, đến nơi, cô gặp một phụ nữ địa phương và được mời thuê khách sạn với giá 500.000 đồng một đêm. Giá này rẻ hơn một nửa so với giá phòng đã đặt trước, cộng thêm việc khách sạn kia không yêu cầu đặt cọc, nhóm của Vy quyết định hủy phòng và đổi sang địa điểm mới.
Mọi việc êm đẹp cho đến khi Vy trả phòng khách sạn mới. Chủ khách sạn yêu cầu nhóm của Vy trả tiền phòng gấp đôi so với giá họ nói ban đầu. Thắc mắc thì Vy nhận được câu trả lời: Giá 500.000 đồng là ngày đầu tiên, còn mỗi ngày tiếp theo giá một triệu. Trong khi đó, các phòng đều nhỏ, bí và sàn vệ sinh không sạch. Cuối cùng, vì đã bị họ giữ chứng minh thư, nhóm của Vy đành phải trả đúng số tiền khách sạn yêu cầu.
Bị lừa, nữ du khách lên mạng kể lại toàn bộ câu chuyện. Tuy nhiên, phần lớn bình luận không đứng về phía Vy vì nhóm cô đã hủy phòng khách sạn ban đầu sát giờ. “Đó là cái giá bạn phải trả, vì cư xử không đàng hoàng với khách sạn đặt trước”, “Thật không hiểu nổi, hủy phòng khách sạn đã đặt trước ngay sát giờ nhận phòng. Vậy thiệt hại của họ, ai chịu đây?”… là những ý kiến với Vy. Cuối cùng, cô gái đành khóa phần bình luận vì ít người cảm thông với mình.
Hoàng Hà, chủ một khách sạn 3 sao ở Phú Quốc cho biết anh luôn coi khách hàng là thượng đế nhưng cũng sẵn sàng từ chối phục vụ những người hay làm khó dễ nhân viên. Anh kể, một khách làm hỏng máy sấy tóc của khách sạn nhưng khi trả phòng lại đổ lỗi cho nhân viên dọn dẹp. Thậm chí, họ còn quay video mạt sát nhân viên rồi dọa tung lên mạng.
Tuy nhiên, khi khách nhận phòng, anh Hà đã cho nhân viên đi cùng để kiểm tra đồ dùng theo từng danh mục và tích vào. Cả hai cùng ký vào biên bản ghi nhận mọi thứ đều hoạt động tốt. Với bằng chứng của mình, khách sạn của anh nhận được nhiều lời an ủi, động viên sau sự cố.
“Trên mạng xã hội, nhiều người thông minh và hiểu chuyện, không phải những người dễ bị dắt mũi. Chỉ cần không làm sai, bạn không cần phải sợ bất kỳ lời đe dọa tố cáo nào”, anh Hà cho biết.
Anh Minh – Vnexpress