Làng Gốm Bát Tràng
Danh Mục Nội Dung
Làng Gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng đã tồn tại ở ven đô Thăng Long với tư cách một làng nghề khoảng hơn 500 năm nay. Tại đây có nhiều động vui chơi khám phá, đặc biệt là cưỡi xe trâu đi du lịch quanh làng. Bát Tràng còn là thiên đường của các đồ vật bằng gốm, gốm ở đây vừa rẻ vừa đẹp, bạn có thể mua do người ta làm sẵn hoặc tự tay làm lấy.
Làng gốm Bát Tràng sản xuất nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng, trong đó có cả những mặt hàng mỹ nghệ như: tượng và phù điêu, công nghệ cao, con giống, lọ hoa, đĩa treo tường…Điều thú vị nhất khi tham quan làng gốm Bát Tràng là được trực tiếp tham quan các nghệ nhân làm ra những sản phẩm vô cùng tinh tế, đặc biệt các bạn có thể tự tay nặn những sản phẩm mà mình yêu thích.
THỜI ĐIỂM ĐẾN BÁT TRÀNG
Thăm quan Làng Gốm Bát Tràng, bạn có thể đến bất kì thời gian nào trong năm. Tuy nhiên nếu bạn đi theo đường thuỷ đến Bát tràng thì nên đi vào ngày 8-13/2 hàng năm. Bởi thời gian này bạn có thể kết hợp đi thăm đình Vạn Phúc và tham gia lễ hội tại đây. Và đừng quên xem dự báo thời tiết để có một chuyến đi trọn vẹn nhé.
DI CHUYỂN ĐI LẠI KHI ĐI BÁT TRÀNG
ĐI ĐẾN BÁT TRÀNG
Xe bus: có lẽ là tiện nhất và rẻ nhất. Từ các điểm trong thành phố Hà Nội bạn đi xe bus ra bến trung chuyển Long Biên, sau đó bắt xe 47 đi Bát Tràng. Lên xe và ngồi ung dung cho tới làng gốm.
Xe máy hoặc phương tiện cá nhân khác: bạn qua cầu Chương Dương hoặc cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì sau đó rẽ phải đi men theo đê Sông Hồng, khi nào gặp biển báo làng gốm Bát Tràng thì là tới. Rất dễ đi.
Đường Sông: cuối tuần đều có chuyến du lịch Sông Hồng bằng đường sông đi qua làng Gốm Bát Tràng, đền Chử Đồng Tử. Giá tour này khoảng 350k – 400k / khách.
ĐI LẠI Ở BÁT TRÀNG
Nếu đi xe bus thì bạn sẽ đi bộ từ đầu làng, đi qua các nhà bán Gốm Sứ, đi sâu vào trong làng thì tới khu chợ Gốm. Nếu đi xe máy thì bạn phi thẳng vào chợ Gốm, sau đó vào 1 nhà có dịch vụ nặn Gốm, bạn chơi ở đó, sau khi nặn gốm xong thì sẽ phải đợi để sấy khô. Trong thời gian đó bạn cứ để xe đó, xin gửi nhờ, rồi đi loanh quanh thăm quan làng và chợ.
Ngoài đi bộ loanh quanh trong làng thì bạn có thể lựa chọn hình thức đi xe trâu, giá khoảng 150k – 200k / xe chở được khoảng 10 người, thường thì cái này khách nước ngoài đi nhiều.
Xe Trâu sẽ đưa du khách đi xung quanh làng.\, hiện nay dịch vụ này không còn phổ biến, nếu muốn đi bạn phải hỏi nhờ người dân giới thiệu cho.
CHƠI GÌ Ở BÁT TRÀNG
Dạo quanh Làng cổ Bát Tràng
Một trong những thú vị đầu tiên khi tới Bát Tràng chính là đường tới ngôi làng cổ này. Xuôi qua cầu Chương Dương, đi qua con đê dài, đây là những điểm bạn có thể dừng lại để cùng bạn bè ghi lại những bức ảnh đẹp trong chuyến dã ngoại.
Nếu muốn chuyến đi chơi của mình khác lạ, bạn nên bắt đầu bằng việc đi dạo một vòng quanh làng. Quanh những con ngõ nhỏ chạy quanh làng là nhiều xưởng gốm tư nhân hay những giàn phơi gốm mini rất thú vị.
Bạn có thể thử đi và trải nghiệm cảm giác khám phá Bát Tràng trên xe trâu.
Dạo chơi Chợ Bát Tràng và mua đồ gốm sứ
Chợ có bán đầy đủ nhiều loại mặt hàng, chia thành các gian hàng nhỏ bày bán đủ loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ liên quan đến gốm sứ, từ những gian hàng bát đĩa cao cấp, đồ trang trí mĩ nghệ đẹp mắt cho đến mặt hàng đồ thờ cúng, tiểu cảnh non bộ cho đến những món đồ lưu niệm, cốc chén và các món bát đĩa bình dân.
Các bạn nếu có nhu cầu mua sắm thì nên vào chợ, không nên mua ở ngoài, giá cả có thể đắt hơn 1 chút.
Chợ bán đồ gốm ở Bát Tràng.
Tham quan các Gia đình làm Gốm Sứ
Có khá nhiều gia đình làm gốm sứ dọc đường từ đầu làng vào tới tận trong chợ. Bạn có thể ngó nghiêng và vào 1 trong số đó. Khi thăm quan các gia đình này bạn có thể hỏi họ thêm về qui trình làm Gốm, lịch sử hình thành, hoặc đơn giản chỉ xem họ làm thôi.
Tham quan Đình làng Gốm Bát Tràng
Đình làng nằm ngay cạnh bến sông (Sông Hồng), nơi các du khách đi Bát Tràng theo tuyến đường sông sẽ dừng ở đây và đi bộ vào làng. Từ khu chợ bạn hỏi đường ra Đình Làng người dân sẽ chỉ cho bạn.
Tham quan Nhà Vạn Vân
Nhà Vạn Vân nằm cuối làng, với mái phủ kín cây xanh. Trong nhà trưng bày hơn 400 món đồ gốm sứ cổ từ thế kỷ 15 đến 19. Nhà Vạn Vân do anh Trần Ngọc Lâm, hội viên Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, xây dựng vào năm 2002.
Vạn Vân có ý nghĩa là những áng mây lành hội tụ, nơi đây lưu giữ sản phẩm của các làng nghề, nhiều nhất là gốm sứ Bát Tràng.
Uống trà, thưởng thức các sản phẩm gốm trưng bày tại nhà Vạn Vân
Chơi Nặn Gốm
Sau khi đã dạo chơi và chụp ảnh, bạn có thể thử cảm giác làm thợ gốm với mức phí rất rẻ, chỉ 10.000 đồng một người. Các chủ sân chơi thường luôn túc trực ở cổng chợ đón khách. Vào sân chơi, bạn sẽ được chơi với bàn gốm xoay.
Đừng lo nếu bạn không biết cách sử dụng chúng, các anh thợ ở đây sẽ hướng dẫn tận tình, giúp tạo hình, lấy tâm mẫu cho bạn. Còn bạn thì tha hồ sáng tạo và thử sức với đất sét. Nếu bạn muốn lấy “kiệt tác” mình tự tay làm ra về nhà, mức giá trung bình sẽ từ 40 – 60K tùy sản phẩm lấy ngay hoặc nung đốt.
Du khách nặn gốm tại Bát Tràng.