Hà Nội: Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn nhất đến lĩnh vực du lịch
Kinhtedothi – Tháng 2/2020, khách du lịch Trung Quốc giảm 93,5%; Hàn Quốc giảm 51,4%; Singapore giảm 42,4%; Khách du lịch nội địa đến Hà Nội giảm 27%.
Ngày 28/2/2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp tập thể UBND TP thường kỳ và giao ban kiểm điểm công tác tháng 2/2020.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu, các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng; Lê Hồng Sơn, Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Sản xuất, kinh doanh tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 của thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Cụ thể, chỉ sổ sản xuất công nghiệp tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 6,1%). Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như: Bia, rượu (giảm 23,2%); Giày, dép (giảm 5,5%); Sản phẩm bằng Plasstic (giảm 12,5%);…
Một số sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch tăng như: Dược phẩm (tăng 55,6%); Thuốc trừ sâu, sản phẩm hóa chẩt (tăng 46,3%); Thuốc kháng sinh dạng bột, cốm (tăng 38,5%);…
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 5,8%); Tổng mức bán lẻ tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 4,3%). Kim ngạch xuất khẩu giảm 19% (cùng kỳ tăng 15,5%). Kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7% (cùng kỳ tăng 10,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 12,3%).
Khách du lịch giảm mạnh: Khách Trung Quốc giảm 93,5%; Hàn Quốc giảm 51,4%; Singapore giảm 42,4%;… Khách du lịch nội địa giảm 27%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%,…
Riêng sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi. Đã hoàn thành thu hoạch cây vụ đông; lúa xuân đang sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo thời vụ. Chăn nuôi trâu bò nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, từ cuối tháng Một không phát sinh ổ dịch mới. Đàn lợn hiện có 1,05 triệu con, giảm 36,8%; đàn gia cầm 32,5 triệu con, tăng 16,1%. Cúm A/H5N6 đang xảy ra cục bộ trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 240,19 triệu USD, trong đó cấp mới 130 dự án với vốn đầu tư đăng ký 60,7 triệu USD; 23 lượt dự án tăng vốn với số vốn đầu tư đăng ký 88,6 triệu USD; 250 lượt chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với trị giá 90,89 triệu USD.
Cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 3.660 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 89.000 tỷ đồng.
Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 51.470 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ, đạt 18,5% dự toán năm. Chi ngân sách địa phương đạt 8.891 tỷ đồng, đạt 8,6% dự toán; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,07% so với tháng 1, tăng 5,16% so với cùng kỷ năm 2019.
Về lĩnh vực đô thị, thực hiện tốt công tác phân luồng giao thông, trật tự đô thị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng… Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách đối với người có công, đối tượng xã hội, đồng bào dân tộc, miền núi được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Công tác phòng chống dịch Covid-19 song song với đảm bảo phát triển kinh tế được chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Về tác động của dịch bệnh tới tăng trưởng của TP, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhất là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Các chuỗi giá trị liên quan 3 quốc gia này bị ảnh hường trực tiếp với mức độ khá lớn.
Lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất vì 03 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 40% lượng khách du lịch đến Hà Nội. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, các quý sau phấn đấu kích cầu để bù đắp.
Sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 50% kim ngạch xuất khẩu, 30% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào 3 thị trường này.
Nhóm ngành Dệt may (hơn 60% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc); sản xuất Máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiên vận tải (hơn 30% phụ thuộc thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc);… Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài từ 3 quốc gia này chiếm khoảng 41,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội.
Về nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 và các tháng tiếp theo, UBND TP tập trung nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh, kịp thời tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát. Tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y Tế nhằm ngăn chặn lây lan và kiểm soát tuyệt đối dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 09/01/2020 của UBND Thành phố; Năm chủ đề: “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp”.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tham mưu các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án (sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách, đầu tư nước ngoài).
Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch và phù hợp với giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình địa bàn, dư luận xã hội. Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội. Chủ động ứng phó tốt với các tình huống phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19.