Chùa Hà
Comment are off
Chùa Hà
Cầu Giấy – Hà Nội – Việt nam
Chùa Hà
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình – Chùa Hà nằm trên một mảnh đất, trước kia thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Chùa Hà là một trong những địa danh tín ngưỡng nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, được khởi dựng từ thời Hậu Lê, trên một vùng quê văn hiến ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Cũng như nhiều ngôi chùa cổ quanh vùng như chùa Thánh Chúa, chùa Láng, chùa Hà được xây dựng rất sớm để thờ Phật, thờ mẫu theo tín ngưỡng dân gian.
Tường chùa được xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, xưa có tên là chùa Vồi. Đến đời vua Hy Tông có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) đến chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong, ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà (đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dân xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ, và ngược lại).
Công trình kiến trúc chùa Hà được xây dựng trong một không gian thoáng đãng, mái chùa nép mình dưới vòm cây cổ thụ. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn.
Tầng hai Tam quan treo chuông đồng Thánh Đức tự chung niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật thời Tây Sơn còn bảo quản nguyên vẹn. Chuông cao 1m20, chu vi đáy 1m80 được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh: long ly quy phượng cách điệu mà rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông.
Sau cổng tam quan là vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, cây đa và sân chùa. Bên cạnh hồ nước là bia đá bốn mặt Thánh Đức tự bi mới được phục chế gần đây. Ba mặt bia khắc chữ Hán theo nội dung lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán nôm, một mặt bia khắc chữ quốc ngữ. Bia chùa tạo năm Chính Hòa thứ 16 (1695), Tri huyện Nguyễn Đình Trạch soạn văn bia. Ở bên phải trước cửa chùa đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa.
Phía trong sân là toà Tam bảo kết cấu kiểu chữ Đinh gắn tiền đường với Phật điện. Mái nhà tiền đường làm kiểu chồng diêm hai tầng mái lợp ngói ống, bờ nóc thượng điện đắp phượng chầu mặt trăng. Toà thượng điện ba gian xây kiểu bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Đặc biệt gác chuông xây hai tầng, có cầu thang lên gác. Tầng trên có mái chồng diêm, giữa mái đắp hình mặt trời lửa trên mặt hổ phù, hai đốc mái đắp hình rồng đuôi xoắn miệng ngậm bờ nóc mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới ba gian dựng trên 12 cột trụ xây nổi trong tường tạo ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn hai bên. Trên mặt tường nối hai cửa phía ngoài đắp nổi hình rồng – hổ theo phương vị “Đông Thanh Long – Tây Bạch Hổ”.
Trong Thượng điện của chùa còn lưu giữ một lư hương bằng đồng khắc ba chữ Hán “Thánh Đức tự ”. Theo các cụ cao tuổi trong làng, tên chùa Thánh Đức có từ thời Lê Thánh Tông. Tương truyền Nghi Dân Thái tử có tội với triều đình, không được nối ngôi, kết bè đảng đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện, vua Lê Thánh Tông còn nhỏ phải chạy về chùa thôn Hậu (xã Dịch Vọng) cách chùa Hà khoảng 1000m để lánh nạn. Khi ấy vua Lê Thánh Tông cũng lui tới thăm chùa Hà. Sau đó hai chùa được đặt tên chữ là chùa Thánh Chúa và chùa Thánh Đức. Căn cứ truyền thuyết dân gian và khối kiến trúc vật chất cùng bộ sưu tập di vật văn hoá hiện còn lưu giữ tại chùa như: chuông đồng, hoành phi câu đối, bia đá có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa vào thời Lê mạt. Hiện nay trước cửa chùa còn đôi câu đối có ghi “Lê triều Chính Hoà sáng tạo” có nghĩa là chùa được dựng năm Chính Hoà triều vua Lê Hy Tông.
Trải qua thời gian dài tồn tại, qua những thăng trầm của lịch sử nhưng hiện nay chùa Hà vẫn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị nghệ thuật như: bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Đức Chúa Ông và Thánh Tăng, 18 tấm bia đá niên hiệu thời Nguyễn, nhiều câu đối, hoành phi có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và sự linh thiêng của Phật pháp và những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thuộc thế kỷ 19.
Ba sáu phố phường Hà Nội như một bản nhạc đẹp.Có khi là khúc ca cổ kính ngàn năm, có khi là khúc ca rộn rã của nhịp sống hiện đại. Những ngôi chùa Hà Nội chính là những nốt trầm của bản nhạc đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Nếu bạn có dịp đến với Hà Nội, tôi muốn đưa bạn đến với chùa Hà, một di tich lịch sử văn hóa- cách mạng nổi tiếng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng, ngày càng to đẹp, hoàn toàn bằng tiền thập phương công đức, được xem là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng nhất ở Hà Nội.
Không hiểu bắt đầu từ đâu và từ khi nào, tên tuổi chùa Hà gắn liền với niềm tin rằng nơi đây rất linh nghiệm đối với những lời cầu xin về tình duyên. Khách thập phương, trong đó nhiều nhất là thanh niên nam nữ không chỉ ngày rằm, mùng một hay đầu năm mới mới đến chùa thắp hương cầu xin mà dường như quanh năm, chùa lúc nào cũng đông khách.
Dọc con phố dẫn vào chùa Hà bán chỉ một loại hoa hồng, hoa của tình yêu. Những người viết sớ thuê thì luôn sẵn sàng viết những lá sớ cầu xin trời Phật gắn kết người này với người kia, xin mặn nồng, bền lâu theo ý của những người đến cầu duyên. Các hàng lưu niệm quanh chùa cũng bán rất nhiều vòng, nhẫn… mà cái nào cũng đi theo đôi, theo cặp…
Có thể nói trong số các chùa lớn nhỏ ở Hà Nội thì chùa Hà là nơi thu hút được đông người trẻ đến lễ nhất. Đến chùa Hà, nữ có phần đông hơn nam và tất cả các bạn nữ đến đây đều không hề giấu giếm ý định cầu duyên của mình. Các chàng trai thì có phần kín đáo hơn một chút.
Vào những ngày đầu năm mới này, chùa Hà lúc nào cũng đông nghẹt. Trên tất cả các ban là các đĩa hương nến, hoa quả… của phật tử xếp chồng lên nhau không biết bao nhiêu lớp.
Ghé thăm chùa Hà, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm của ngôi chùa cổ mà còn tò mò muốn tìm hiểu gốc tích về câu chuyện cầu duyên nơi đây.
Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp trung niên, các cụ già đến lễ bái, giải hạn thì chùa Hà lại được nhiều bạn trẻ biết đến với tên gọi chùa “Tình Yêu”. Và đa phần họ đến đây để dâng hương, xin sớ, xem quẻ cầu duyên.
Hầu hết du khách đều không hay biết về sự tích cầu duyên của Chùa Hà. Có lẽ vì chùa không có sư tu mà được trông nom bởi người dân trong phường, nên những mong mỏi, nhưng tâm sự thường nhật của con người mới được hào phóng đến với cõi Phật đến thế.
Du khách đến lễ chùa Hà, ngoài việc tìm tới sự trong lặng nơi cửa chùa, ai cũng cầu nguyện một tình duyên trọn vẹn. Người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi, hạnh phúc mãi; kẻ cô đơn mong sớm tìm được một nửa còn lại. Người già thì cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Ai cũng tin Đức Phật từ bi cũng như Thánh Mẫu trên cao sẽ thấu hiểu được lòng mỗi người.
Thắp một nén hương thơm, chắp tay cúi đầu thành kính trước đức Phật, ai cũng có những cầu nguyện cho riêng mình nhân dịp xuân về.
Chùa Hà đã chứng kiến hàng vạn tâm tư, niềm vui, nỗi buồn, nhìn thấy vô số niềm hy vọng, đổ vỡ của nhân tình thế thái. Con người ta đời nào cũng thế, ai cũng mong mỏi, khao khát hạnh phúc, nhất là hạnh phúc lứa đôi. Cũng có nhiều cô cậu đến lễ vì tò mò, để “thử xem thế nào”, nhưng mà cũng có nhiều người đến cửa chùa với những nỗi niềm bi thiết.