Cổ Loa
Danh Mục Nội Dung
GIỚI THIỆU CỔ LOA
Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó). Nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.
THỜI ĐIỂM THAM QUAN CỔ LOA
Tháng 1 âm lịch: mùa lễ hội
Lễ hội Cổ Loa diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm, vì vậy nếu các bạn thích không khí lễ hội thì thời điểm này là thời điểm phù hợp nhất để ghé thăm Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ sáng sớm với các đám rước, nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian…
Lễ hội kéo dài tới ngày 16 tháng Giêng với lễ tế tạ trời đất là kết thúc lễ hội. Còn nếu các bạn không thích không khí lễ hội thì có thể đến khu di tích Thành Cổ Loa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Cổ loa những ngày hội đầu năm
Cổ loa những ngày hội đầu năm.
ĐI ĐẾN CỔ LOA TỪ HÀ NỘI
Xe bus
Có nhiều tuyến xe Bus đi tới Cổ Loa, bạn tham khảo các tuyến dưới đây
– Nếu bạn đi từ khu Mỹ Đình thì bắt xe 46
– Gần ga Hà Nội, khu vực công viên thống Nhất thì bắt xe 43.
– Xuất phát từ điểm trung chuyển Long Biên thì có xe 15,17.
– khu Như Quỳnh, đại học Nông Nghiệp thì có xe 59.
Xe máy, ô tô riêng: Nếu bạn thích chủ động trong việc di chuyển thì có thể dùng xe máy. Từ trung tâm thành phố bạn có thể chọn những tuyến đường tới Cổ Loa như sau:
– Cầu Thăng Long: Từ trung tâm di chuyển ra Phạm Văn Đồng-Cầu Thăng Long- rẻ xuống Hải Bối-đường 6 km- ra quốc lộ 3- tới đường Cổ Loa.
– Cầu Chương Dương: Trung tâm thành phố- Cầu Chương Dương- Nguyễn Văn Cừ- Lên cầu Đông Trù- đường Tiên Hội- Quốc Lộ 3- đường Cổ Loa
– Cầu Nhật Tân: Trung tâm thành phố- cầu Nhật Tân- rẽ xuống đường 5 kéo dài- tới ngã 3 rẽ ra QL3 – đường Cổ Loa.
Đi lại ở Cổ Loa: Tới di tích Cổ Loa du khách sẽ phải để phương tiện cá nhân bên ngoài và đi bộ tham quan bên trong thành. Tuy nhiên nếu muốn tham quan những điểm xa hơn thì có lẽ bạn dùng phương tiện cá nhân để di chuyển từ Hà Nội sẽ thích hợp hơn do ở Cổ Loa hiện tại chưa có dịch vụ thuê xe máy.
ĐIỂM THAM QUAN Ở KHU DI TÍCH CỔ LOA
Thành Trong: là một khu vực hình chữ nhật, nơi được xem là chỗ ở của Nhà Vua. Hiện còn lại là vết tích của rãnh đào thoát nước. Cổng cính của Thành Trong ở giữa bờ thành phía Nam. Hai bên cổng có 2 ụ công sự cao hơn và nhô về phía trước. Ở bên góc Thành Trong còn 18 ụ công sự khác nữa. Bao quanh thành là hào sâu và rộng.
Thành Trung: (vòng thành giữa) có chu vi 6500m. Từ cửa Nam (chợ Sa ngày nay) thành vòng về phía Đông theo Đầm Cả, qua Gò Voi ở phía Bắc rồi vòng lại phía Nam theo bờ sông Hoàng.
Thành Ngoại: có chu vi 8000. Một đoạn của sông Hoàng chảy từ tây nam đến đông nam, bao quanh thành từ đông bắc đến đông nam.
Trong khu vực Thành trong, nhân dân ta đã xây dựng một vài công trình tưởng niệm An Dương Vương Đền thờ An Dương Vương, Ngự triều di quy và một số công trình khác.
Đền thờ An Dương Vương: hay còn được gọi là đền Thượng nằm ở trung tâm Thành trong, được coi là nơi Vua Thục Phán trước kia ở.
Đền thờ An Dương Vương.
Đình Cổ Loa: Qua cổng làng Cổ Loa cũng là cổng Thành Trong là tới Ngự triều di quy hay còn được gọi là Ngự Đình hay Đình Cổ Loa.
Đình Cổ Loa.
Am Mỵ Châu: Bên trái Đình Cổ Loa là Am thờ Mỵ Châu (Am Bà Chúa), dân làng còn gọi đây là mộ Mỵ Châu. Đây chỉ là một am nhỏ nằm khiêm tốn dưới gốc đa nghìn tuổi.
Am Mỵ Châu.
Chùa Bảo Sơn: Từ Am Mỵ Châu đi sâu vào phía trong là chùa Bảo Sơn, trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị to lớn.
Chùa Bảo Sơn.
Đền thờ Cao Lỗ: hiện được dựng ở nhiều nơi như quê ông ở Bắc Ninh, hay ở Ái Mộ và ngay trong thành Cổ Loa cũng có đền thờ của ông. Đền thờ nhỏ, có dựng tượng Cao Lỗ bắn nỏ giữa ao nước trước đền.
Đền thờ Cao Lỗ (ảnh: vietlandmarks)
Các cửa thành: Ngay trên đường vào khu vực Thành Cổ Loa các bạn sẽ nhìn thấy Cửa Trấn Nam và Miếu thờ Thần trấn cửa Nam, qua cửa này rẽ tay phải chính là Đền thờ Cao Lỗ. Cửa trấn Bắc và Miếu thờ Thần trấn cửa Bắc nằm ở vòng thành thứ 3, cách Trung tâm Cổ Loa khoảng 5km.
Miếu thờ Thần trấn cửa Bắc
Các di chỉ khảo cổ: Cổ Loa là một khu vực dày đặc các di chỉ khảo cổ như Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Tre, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, Xóm Nhồi, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực… và các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở đây hàng vạn công cụ lao động, nhạc khí, vũ khí bằng đồng…