Du lịch Việt Nam: Dừng một nhịp để trở lại mạnh mẽ hơn
Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã tạm dừng hoạt động ở các quán bar, karaoke, bảo tàng, di tích… và đặc biệt, chương trình kích cầu du lịch nội địa do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Liên minh kích cầu du lịch phát động vào tháng 2-2020 cũng tạm dừng. Việc tạm dừng chương trình kích cầu du lịch nội địa của ngành Du lịch Việt Nam cùng nhiều hoạt động khác được xem là phù hợp vào lúc này, dừng một nhịp để trở lại mạnh mẽ hơn.
Sự điều chỉnh cần thiết
Giữa tháng 2-2020, Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập Liên minh kích cầu du lịch nhằm khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Thời điểm đó, Việt Nam ghi nhận 16 ca mắc Covid-19, tất cả đều được chữa khỏi và Hà Nội chưa có ca nhiễm nào. Đó chính là cơ sở để ngành Du lịch Việt Nam mạnh dạn thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển thị trường. Liên minh kích cầu du lịch đã chọn 4 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai để triển khai gói kích cầu, sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Liên minh chủ trương đẩy mạnh việc khai thác mảng du lịch nội địa, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch mới, tạo nền móng thu hút du khách trong và ngoài nước sau này.
Đây rõ ràng là hướng đi đúng, vì thế đã nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm doanh nghiệp, công ty lữ hành uy tín, như: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Hanoitourist, Hanoi Redtours, Vietrantour, Saigontourist, Vietravel… Đặc biệt, sau hơn nửa tháng triển khai, chương trình kích cầu đã đạt được kết quả khả quan. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 100% tour, tuyến dự kiến khởi hành vào tháng 3-2020 được bán hết, tour trong tháng 4 và tháng 5-2020 bán được khoảng 70%.
Tuy nhiên, trước diễn biến mới khó lường của dịch Covid-19, kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 thứ 17 vào ngày 6-3, công tác phòng, chống dịch đã chuyển sang giai đoạn mới, quyết liệt hơn và với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an toàn cho người dân, không để dịch lan rộng. Do vậy, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã quyết định tạm dừng chương trình kích cầu du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành ngừng cung cấp tour, tuyến kích cầu.
Bà Hoàng Anh, đại diện Công ty Vietrantour cho biết, khi Việt Nam ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới, các công ty du lịch không vì lợi ích mà đánh đổi sức khỏe của người dân và du khách. Hiện tại, các doanh nghiệp đã có kế hoạch hoàn trả tiền cho khách đã mua tour.
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc tạm dừng tour kích cầu lúc này là cần thiết. Tuy nhiên, Hiệp hội vẫn duy trì liên minh kích cầu và khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch mới. Chương trình kích cầu sẽ khởi động trở lại khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi.
An toàn là mục tiêu số một
Tại Hà Nội, bắt đầu từ ngày 13-3, các điểm di tích, bảo tàng, khu vui chơi giải trí… đều tạm dừng hoạt động đến hết tháng 3-2020. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, ngành Du lịch Thủ đô và cả nước đang đứng trước khó khăn rất lớn, song việc bảo đảm an toàn cho người dân và du khách là nhiệm vụ số một. Trong thời gian tạm dừng hoạt động, các điểm đến tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: Phun thuốc tiêu độc, khử trùng, chuẩn bị điều kiện cần thiết để trở lại phục vụ du khách tốt hơn khi hết dịch.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, sau khi có yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, không chỉ có các điểm di tích dừng hoạt động, mà các điểm giải trí hấp dẫn du khách như quán bar, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim… cũng thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoạt động. Tại khu phố cổ Hà Nội, phố Tạ Hiện, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến… luôn tấp nập khách quốc tế, nhưng giờ đây, các nhà hàng, quán bar đã nghiêm túc chấp hành việc tạm dừng đón khách. Chủ quán Fame Bar & Lounge (25 Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm) cho biết, đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bùng phát trong cộng đồng. Còn theo chủ quán bar Nineteen (19 phố Chả Cá, Hoàn Kiếm), những ngày qua, du khách đến quán bar đều được giải thích rõ lý do đóng cửa và họ đều thể hiện thái độ thoải mái, thông cảm, đồng tình.
Chị Anna Kendrick, một du khách Australia đang lưu trú tại Hà Nội chia sẻ: “Không riêng Việt Nam mà nhiều nước đã đóng cửa các điểm tham quan, vui chơi để bảo đảm an toàn cho người dân. Thật không may khi đi du lịch vào lúc này, nhưng chúng tôi luôn tôn trọng quyết định của các bạn. Không tham quan được các di tích như kế hoạch, chúng tôi sẽ tìm hiểu kiến trúc, phong cảnh Hà Nội”.
Hiện số lượng du khách quốc tế đến Hà Nội giảm mạnh, với gần 20.000 khách hủy tour, hơn 83.000 khách hủy phòng. Thiệt hại về kinh tế là không tránh được trong bối cảnh hiện nay, song Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, với phương châm an toàn là mục tiêu số một. Việc tạm dừng hoạt động kích cầu du lịch cũng như tạm “đóng cửa” các điểm đến, khu vui chơi, giải trí là cần thiết vào thời điểm này. Như lời khẳng định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, đây chính là “phép thử” để toàn ngành đánh giá lại năng lực hoạt động cũng như vạch ra chiến lược phát triển bền vững sau này.
Theo HNM